Chưa đánh thuế với nhà ở
Dự thảo Luật Thuế nhà đất công bố tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay đã loại nhà ở ra khỏi diện chịu thuế.
>Bộ Xây dựng muốn đánh thuế nhà theo diện tích
Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra đưa 2 phương án lựa chọn đánh thuế với nhà ở hoặc không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Đối với phương án tính thuế nhà, Bộ đề nghị mức khởi điểm tính tính thuế sẽ là nhà có diện tích 200 m2 hoặc nhà có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, theo dự thảo mới nhất được công bố sáng nay, nhà ở đã bị loại ra khỏi diện chịu thuế. Tên của dự luật cũng được đề nghị đổi thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thay vì Luật Thuế nhà đất như trước..
Theo dự thảo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, đối tượng chịu thuế của luật bao gồm đất ở tại nông thôn, đô thị và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (đất xây dựng khu công nghiệp, đất làm mặt bằng xây cơ sở sản xuất kinh doanh...). Thuế suất với đất ở trong hạn mức là 0,03%, thu 0,06% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức, phần diện tích trên 3 lần hạn mức áp mức 0,1% thay vì 0,09% như đề xuất ban đầu. Hạn mức đất tính thuế được căn cứ trên quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Riêng đất lấn chiếm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được áp dụng mức thuế suất chung là 0,15%.
Việc không đưa nhà ở vào diện chịu thuế được nhiều đại biểu trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành. Đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế là chưa phù hợp. Số tiền thu từ thuế nhà cho Ngân sách Nhà nước ước tính không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác thu lại không nhỏ. Nhà là tài sản gắn liền với công sức cũng như sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có tiền để thuê nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua vật liệu, thi công công trình. Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến thuế chồng lên thuế. Tổng hợp ý kiến từ 54 đoàn đại biểu Quốc hội sau kỳ họp Quốc hội thứ sáu cũng cho thấy đa số ý kiến đề nghị không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế sẽ gây tâm lý không đồng thuận.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, nhận định, không nên đánh thuế nhà bởi về cơ bản, giá nhà của Việt Nam thực chất là giá đất. Nhà là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Cần phải nêu rõ thuế nhà ở là thuế đánh vào tài sản hay thuế đánh chỗ ở. "Nếu là tài sản thì tại sao những tài sản có giá trị khác như máy bay, du thuyền lại chỉ đánh thuế một lần", ông Thuận thắc mắc.
Nhiều đại biểu cho rằng chưa nên đánh thuế nhà ở. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế hiện nay chưa nên đánh thuế nhà. Người dân bình thường có quyền sở hữu một mảnh đất ở. Nếu đất chỉ ể ở, không kinh doanh buôn bán, chuyển nhượng sẽ không phát sinh nguồn thu. Đất kinh doanh đã có thuế kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân... "Người dân làm công ăn lương ở các đô thị đã phải vất vả giờ lại chịu thêm thuế nhà đất là không công bằng", ông Nam nói.
Tại phiên họp sáng nay, vấn đề thu thuế đối với đất lấn chiếm được nhiều đại biểu quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, không nên dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tính thuế bởi thực tế có hiện tượng cơi nới lấn chiếm, vượt quá diện tích ghi trong giấy tờ. Theo Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, phải căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thu thuế. Ông Đàn lý giải, nếu thu thuế đối với đất lấn chiếm thì coi như đã thừa nhận tính hợp pháp của loại đất này, khuyến khích người dân không tuân thủ pháp luật. Ông Đàn đề xuất, đất lấn chiếm phải phạt nặng, thu hồi.
Các đại biểu đều thừa nhận, có một thực trạng hiện nay là nơi vui chơi ở các khu tập thể, hồ Tây đều đã bị người dân lấn chiếm rất nhiều. Có nên thu thuế đối với đất lấn chiếm hay không là một bài toán nan giải. Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn, cơ quan quản lý còn đang lúng túng với đất lấn chiếm, bởi nếu xử lý nghiêm, các công trình xây trên đất này sẽ phải phá đi rất nhiều. Trong khi đó, nếu không thu thuế đất lấn chiếm, ngân sách Nhà nước sẽ mất một khoản lớn. Theo ông Hiển, trước mắt cần phải áp cả thuế đối với đất lấn chiếm để tăng thu ngân sách và thể hiện tính công bằng của pháp luật.
Không đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói, trên thực tế, ta đã thu thuế đối với đất lấn chiếm và người dân có đất này rất mong được nộp thuế tiền sử dụng đất. Họ tích các hóa đơn nộp và coi đó là bằng chứng mà cơ quan Nhà nước đã thừa nhận quyền sử dụng hợp pháp. Thứ trưởng Nam đề xuất, không nên thu thuế đối với đất lấn chiếm để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. "Nếu Nhà nước thu thuế 5 lần so với hạn mức rồi lại không công nhận quyền sở hữu của người dân lấn chiếm thì sẽ rất khó ăn nói", ông Nam nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, về nguyên tắc, loại đất có giấy chứng nhân hay không trong quá trình sử dụng đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. "Tôi cho rằng, đất lấn chiếm cũng phải thu thuế. Bởi đây chính là một hình thức phạt. Không phải thu thuế đối với đất lấn chiếm là thừa nhận đất đó sử dụng hợp pháp", ông Kiên nhận định.
1/ Áp dụng thuế suất đối với đất ở theo biểu thuế lũy tiến từng phần:
Hạn mức đất tính thuế được quy định như sau: a) Hạn mức đất làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. b) Trường hợp đất đã cấp với hạn mức được quy định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tiếp tục công nhận hạn mức đã được cấp trước để xác định thuế suất. Nếu hạn mức cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi thành thấp hơn hạn mức mới thì áp dụng theo mức mới để làm căn cứ tính thuế. 2/ Đối với đất ở nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư: Áp dụng mức thuế suất 0,03%. 3/ Đối với đất lấn chiếm: Áp dụng thuế suất chung là 0,15%, không áp dụng quy định về hạn mức đối với diện tích lấn chiếm; việc thu thuế không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích lấn chiếm. (Trích dự thảo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) |
Hoàng Lan