Hiện trạng các khu công nghiệp
TS.Trần Hồng Kỳ - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cả nước hiện đã có 228 KCN được thành lập trên 56/63 tỉnh thành với tổng diện tích khoảng 58.434 héc ta trong đó 145 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động; 83 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng.
KCN tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long. Địa phương có nhiều KCN nhất là Đồng Nai (28 KCN), Bình Dương (27 KCN) và Tp.HCM (16 KCN). Ngoài ra cả nước còn có 14 khu kinh tế (KKT) đã được thành lập với tổng diện tích gần 630.000 ha, tập trung chủ yếu tại miền Trung (10 khu), miền Nam (2) và miền Bắc (2).
Thống kê của Bộ kế hoạch và đầu tư, tổng diện tích đã cho thuê ở các KCN đang hoạt động đạt tỷ lệ 64% diện tích đất công nghiệp. Còn tính chung các khu CN cả nước thì tỷ lệ lấp đầy mới đạt 46%.
Các khu công nghiệp Hà Nội: dự kiến đến năm 2015, Hà Nội sẽ có 20 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 4.500ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 60%; phấn đấu đạt tổng doanh thu khoảng 250.000 tỷ đồng (chiếm hơn 20% GDP của thành phố), tạo việc làm mới cho nửa triệu lao động. Tuy nhiên, để các KCN mới thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư có không ít việc phải làm.
TPHCM, tính đến 30/06/2009, 3 khu chế xuất và 10 khu công nghiệp có 1.161 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,49 tỉ USD, trong đó đầu tư nước ngoài 466 dự án, vốn đầu tư là 2,64 tỷ USD; đầu tư trong nước 695 dự án, vốn đầu tư 27.753,66 tỷ đồng, tương đương 1,85 tỷ USD. Tuy nhiên, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN toàn thành phố giảm sút, công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Các khu công nghiệp đóng góp hàng năm khoảng 20% vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2009, doanh thu của các khu CN đạt 11 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 4.5 tỷ USD. Thu hút 3.443 dự án FDI đạt 38,5 tỷ USD. Các KCN đã tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, bình quân 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê thu hút được trên 70 lao động trực tiếp (trong khi đất nông nghiệp chỉ thu hút được khoảng 10-12 lao động/ha).
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015 sẽ thành lập thêm 91 khu công nghiệp với tổng diện tích 20.839 ha và mở rộng thêm 22 Khu công nghiệp với tổng diện tích 3.543 ha.
Khi đầu tư vào Việt Nam, đa số các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn việc thành lập các cơ sở sản xuất tại các KCN vì ở đây đã có sẵn cơ sở hạ tầng tốt, có nguồn cùng cấp điện năng, hệ thống xử lý môi trường nước thải, được tận dụng lợi thế tuyệt vời của từng vùng. Thêm nữa các khu công nghiệp Việt Nam hầu hết đều ở vị trí thuận lợi về giao thông.
Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực sau những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, với việc đà tăng trưởng kinh tế đã được duy trì tốt sau từng quý kể từ đầu năm đến nay. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 2 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã thu hút thêm 1,78 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bằng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhật Bản khẳng định “Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn”. Theo phân tích của các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam hấp dẫn bởi vẫn đang tích cực mở cửa thị trường theo cam kết WTO, đặc biệt là thị trường dịch vụ, quy mô dân số ngày càng lớn, thu nhập bình quân đầu người, cũng như thị trường tiêu dùng đang có xu hướng tăng.
Trong xu thế phát triển mới, nhất là khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Đầu tư (BIT), việc Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư số 1 chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong tương lai gần, việc các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam thông qua các dự án lớn, sẽ trở thành lực hút các nhà đầu tư lớn từ các nền kinh tế mạnh khác đến Việt Nam.