Mới đây, UBND TP.HCM vừa duyệt điều chỉnh dự án nâng cấp và mở rộng đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình - quận Gò Vấp. Quyết định này có bổ sung hạng mục cải tạo, mở rộng khoảng 659m đường Tân Sơn (đoạn từ cổng sân Golf đến đường Quang Trung) từ 2 làn xe lên 4 làn xe để đồng bộ 4 làn xe toàn tuyến.
Đoạn đường Nguyễn Sỹ Sách kết nối với đường Phạm Văn Bạch (đường, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng) sẽ được xây dựng dài khoảng 37m, rộng 18,5 m. Bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ Phạm Văn Bạch - Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch - Tân Sơn, Phạm Văn Bạch - Nguyễn Sỹ Sách và nút giao Phạm Văn Bạch - Nhánh 5 - Huỳnh Văn Nghệ. Bổ sung lắp đặt lan can trên bờ kênh Hy Vọng.
Để tính bồi thường, hỗ trợ của dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Cửu Phú, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, UBND TP.HCM đã phê duyệt bổ sung hệ số điều chỉnh giá đất ở tại vị trí tiếp giáp hai mặt tiền đường Tỉnh lộ 10 (đoạn từ Quốc lộ 1A đến cầu Tân Tạo) và đường Nguyễn Cửu Phú (nhà số 1411B và 1413 đường Tỉnh lộ 10) là 3,8567.
Song song đó, UBND TP đã duyệt Đề xuất dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường số 990 đến nút giao vành đai 2), quận 9 theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) với tổng vốn đầu tư khoảng 737 tỷ đồng.
Việc mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị dọc hai bên đường cao tốc, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quang đô thị. Dự án dự kiến được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.
UBND TP.HCM cũng vừa có quyết định đầu tư nâng cấp và mở rộng đường Tô Ngọc Vân (Thủ Đức) lên 30m, tuy chỉ dài 3km nhưng tuyến đường này có vai trò quan trọng kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức.
Được biết, Dự án đầu tư nâng cấp - mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân lên 30m đã được UBND TP.HCM phê duyệt từ đầu năm 2017 và sẽ được triển khai thi công trong thời gian tới và hoàn thiện vào năm 2020. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ nối trực tiếp từ đại lộ Phạm Văn Đồng đến ngã tư Thủ Đức – nơi đang xây dựng nhà ga metro trung tâm quận.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất phân khu chức năng của phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 và bố trí thêm đài phun nước, hệ thống chiếu sáng. Sở này cũng phải nghiên cứu điều chỉnh và bố trí hợp lý các khu vực vệ sinh, thùng rác, ghế ngồi, quầy bán nước tự động, khu vực ẩm thực đường phố, bãi giữ xe... phục vụ khách tham quan khi thành phố tổ chức sự kiện lớn tập trung đông người.
Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cũng được yêu cầu nghiên cứu kết nối không gian tổng thể của phố đi bộ Nguyễn Huệ với khu vực công viên trước Nhà hát thành phố và trục đường Lê Lợi, kết nối không gian các trục đường Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi.
Để chuẩn bị nâng cấp cải tạo đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Lợi đến công viên bến Bạch Đằng), UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ban Quản lý phố đi bộ Nguyễn Huệ báo cáo quá trình hoạt động của tuyến phố này sau hơn 3 năm đi vào hoạt động. |